Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

NIỀM TIN hay HY VỌNG? (6)

6.Thách thức không dễ vượt qua

  Một cuộc họp tương tự đã được nhà chồng tổ chức. Mẹ chồng Bảo Khánh đã nói rất nhiều đến đạo tam tòng của người phụ nữ và nghĩa vụ của một người vợ. Tóm lại, bà muốn Bảo Khánh hết sức thông cảm cho chồng, ở lại nhà chồng, kiên trì giúp chồng chữa bệnh.


Bảo Khánh nói: “Không phải con không hiểu đạo tam tòng. Nhưng xã hội ngày xưa khác, xã hội bây giờ khác. Ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc, nhưng tình trạng hiện nay thì con không được hưởng hạnh phúc. Con bị thiệt thòi và nhà chồng cũng bị thiệt thòi. Con nuôi cũng là con, nhưng không phải là con nối dõi và đó là thiệt thòi lớn nhất của gia đình ta. Con chưa tính tới chuyện ra đi để tìm hạnh phúc mới mà đang tính tới chuyện động viên nhà con chữa khỏi bệnh. Đó là cách tốt nhất cho cả nhà con, cho con và cho gia đình ta. Nhưng làm theo cách này sẽ tốn nhiều tiền. Vợ chồng chúng con mới lấy nhau hơn 1 tháng nên chưa chuẩn bị được gì cả. Con xin bố mẹ giúp đỡ anh Luân và con để vượt qua thử thách này. Chữa bệnh cho anh Luân, chắc chắn là cần nhiều lòng kiên trì và tài chính.

Ý kiến của Bảo Khánh được bố chồng hoàn toàn tán thành. Ông nói: “Bảo Khánh phát biểu như thế là đầy đủ rồi, đầy đủ cả tình, cả lý. Bây giờ không ai có thể bắt người phụ nữ phải theo đạo tam tòng của Khổng Tử, vì như thế là vi phạm đến quyền con người. Bảo Khánh nói: “Con chưa tính tới chuyện ra đi để tìm hạnh phúc mới mà đang tính tới chuyện động viên chồng chữa khỏi bệnh”. Như vậy là sau một thời gian nữa, nếu anh Luân chữa không khỏi bệnh thì Bảo Khánh có thể ly hôn. Điều này bố hoàn toàn nhất trí. Một người được hạnh phúc vẫn tốt hơn cả hai người phải chịu bất hạnh. Trước đây, bố đã có gần 20 năm công tác ở Trung Quốc. Bố đã đi nhiều nơi và biết rằng Trung Quốc có một nền y học cổ truyển rất đáng tự hào. Thí dụ như Hà Bắc có Hội Lương y Hoa Đà. Cô Hùng Tái Định bị một căn bệnh rất lạ, 10 năm không ăn cơm, không uống nước, 10 năm nằm một chỗ truyền huyết thanh mà vẫn sống. Các giáo sư, bác sĩ Tây y của Trung Quốc đã bó tay với trường hợp này. Nhưng một cụ lương y trong Hội Lương y Hoa Đà, chỉ một lần bấm huyệt, cô Hùng Tái Định đã đứng dậy được, trở lại ăn uống bình thường rồi lấy chồng và sinh con. Khi cô sinh con đầu lòng, có kênh truyền hình đã làm một phóng sự dài về Hùng Tái Định. Bố sẽ đưa Luân sang Trung Quốc để chữa bệnh. Vấn đề tài chính bố mẹ sẽ lo. Bảo Khánh chỉ cần động viên chồng quyết tâm chữa bệnh là được rồi”.  
   
(Còn nữa)
Khánh Hoàng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét