Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

NÊN CHĂNG MỞ NHỮNG "PHỐ ĐÈN ĐỎ" Ở VIỆT NAM?


Hoàng Anh Sướng

Từ nhiều năm nay, mỗi lần có dịp ra nước ngoài, đến những thành phố lớn của Châu Âu hay của Mỹ, thấy những phố đèn đỏ hoạt động công khai suốt ngày đêm, em đã từng đặt câu hỏi: Việt Nam nên chăng cũng mở những phố đèn đỏ như thế?

Người phương Tây quan niệm, nhu cầu tình dục là nhu cầu thiết yếu chẳng kém gì nhu cầu ăn, mặc. Những người còn độc thân, chuyện đói khát tình dục là đương nhiên. Nhưng ngay cả với những người đã có gia đình, nhiều người vẫn bị đói khát như thường nếu như vợ, chồng sức khỏe không tốt, bệnh tật. Sẽ thật là bất hạnh nếu như đói không được ăn, khát không được uống. Vì thế, từ mấy chục năm trước, tại những thành phố lớn ở Châu Âu, người ta đã mở những phố đèn đỏ để phục vụ cho những người có nhu cầu tình dục cao, bị đói, khát tình dục. Ở đó, bán dâm là một ngành nghề hợp pháp (ngoại trừ tệ nạn mại dâm đường phố), được cấp phép lao động hành nghề, có lực lượng cảnh sát, nhân viên xã hội, nhân viên theo dõi sức khỏe cộng đồng, nhân viên thuế và nhiều tổ chức nhân quyền bảo vệ họ. Gái bán dâm phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Chủ sở hữu nhà thổ và các nhà khai thác phòng thường yêu cầu giấy chứng nhận sức khoẻ trước khi chọ họ sử dụng hoặc cho thuê phòng. Nhờ thế, hoạt động mại dâm ở các nước phương Tây rất nề nếp. Người bán, người mua đều được bảo vệ. Nhà nước lại có thêm nguồn thu khá lớn từ việc thu thuế của hoạt động này.
Thiết nghĩ, nên chăng, Việt Nam cũng nên mở những phố đèn đỏ ở các thành phố lớn để đưa hiện tượng bị coi là tệ nạn xã hội này thành một "nghề" ổn định, có đầu mối quản lý, có đánh thuế thu nhập, hạn chế những hệ lụy khác ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Có một thực tế từ nhiều năm qua ở Việt Nam mà ai cũng thấy là: mặc dầu bị nhà nước cấm đoán gắt gao nhưng hoạt động mua bán mại dâm vẫn diễn ra tràn lan ở khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược. Trong đó, có rất nhiều cơ sở hoạt động mại dâm lại được chính những người thuộc các cơ quan phòng chống tệ nạn "bảo kê". Và như thế, một khoản tiền rất lớn đã chảy vào túi tư của các ông trùm mại dâm, ông trùm bảo kê.
Được biết, cách đây vài chục năm, ngay tại Amsterdam, lúc "phố đèn đỏ" mới lên đèn hoạt động, sự phản ứng của dân chúng Hà Lan và dư luận thế giới vô cùng dữ dội. Vậy mà, chỉ sau vài năm, khu phố đèn đỏ của Hà Lan đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng. Khó có thể tìm thấy một tour du lịch nào đến Hà Lan lại không có trong list khu phố đèn đỏ. Nói cách khác, rất tự nhiên, nó đã trở thành một phần của đời sống...
Mại dâm ở Việt Nam, từ nhiều năm qua, dù bị cấm đoán gắt gao đủ kiểu, nó vẫn cứ tồn tại, hơn thế, cứ phát triển và thực sự là một phần của đời sống. Tại sao chúng ta không minh bạch hóa, công khai hóa, tại sao chúng ta không quyết định một 'công đoạn' về thủ tục, quản lý hành chính, chấp nhận cái đã, đang và sẽ vẫn có, đem lại sự thay đổi về giá trị nhân phẩm cho hàng vạn con người?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét