Khi
trên các trang báo và trang mạng gần đây ngập tràn hình ảnh một phụ nữ nổi
tiếng bị bắt vì bán dâm, rất nhiều người cho rằng đây là một nghề thiếu lương
thiện, bẩn thỉu.
Pháp
luật của Việt Nam
hiện đang đứng về quan điểm này. Đương nhiên, tôi tôn trọng ý kiến
của những người về phe pháp luật. Trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu một
cách nhìn khác, biết đâu vì thế mà chúng ta, dù có thể không thay đổi
chính kiến của mình, nhưng vẫn có thể tiếp cận cuộc sống một cách công
bằng hơn.
Trước
hết, đó là câu hỏi: "Nghề lao động tình dục có xấu không? Có cần phải cấm
không và trừng phạt không?".
1. Lý do thứ nhất để chúng
ta phản đối việc mua bán dâm là vì khá nhiều lao động tình dục là hậu quả của
việc bị ép buộc, bị dụ dỗ, bị áp đặt, bị dồn vào chân tường, có rất ít lựa
chọn, hoặc không còn lựa chọn nào khác. Bị ép uổng như vậy là thiếu-đạo-đức.
Nếu
chúng ta nhìn vào lý luận này một cách thấu đáo, một bộ phận lớn loài người,
nếu không muốn nói là tất cả, đều phải chịu đựng ở một mức độ nhất định sự ép
buộc, dụ dỗ, dồn vào chân tường, với số lượng lựa chọn nhất định cho cuộc sống
của chính mình. Liệu ai trong chúng ta dám nói rằng mình có thể làm 100% theo ý
muốn cá nhân mà không hề có một sức ép nào? Tự do không bao giờ tuyệt đối, và
bản thân chúng ta xét cho cùng ai cũng là nạn nhân của môi trường và đồng loại
xung quanh: từ việc bạn chọn ngành nghề cho vừa ý bố mẹ, chọn vợ chồng cho vừa
ý họ hàng, đến cả việc chọn giới tính cho hài nhi cho vừa ý tổ tiên đã chết.
Chính vì vậy, nếu coi việc áp đặt kẻ khác là thiếu đạo đức thì lao động tình
dục cũng như mọi nghề nghiệp khác trên đời, là hậu quả của việc bị áp đặt và
phải lựa chọn phương án tốt nhất có thể trong một tình huống nhất định mà thôi.
Kết
luận: Nếu cho rằng lao động tình dục là hậu quả của sự áp đặt trực tiếp hoặc
gián tiếp, và vì bị-áp-đặt nên nó xấu, cần phải cấm, thì có thể suy ra rằng
hàng trăm nghìn nghề nghiệp và hành động khác có thể cũng bị coi là xấu, vì nó
cũng là hậu quả của áp đặt. Tôi từng nghe một giáo sư đại học tâm sự rằng anh
phải chọn nghề này vì áp lực của gia đình theo truyền thống. Nói trắng ra, thân
phận của anh cũng chẳng khác gì thân phận của một người lao động tình dục, phải
chọn một nghề vì bị sức ép của người thân, hoàn cảnh, và xã hội.
Suy ra,
ai trong chúng ta cũng là nạn nhân. Vấn đề ở đây là mức độ. Sự áp đặt như thế
nào thì là nhẫn tâm, như thế nào thì cấu thành tội phạm? Giả thuyết cần được
xem xét là: Nếu chúng ta có thể đảm bảo được rằng lao động tình dục không phải
chịu sức ép, áp lực quá một mức quy định nào đó, thì đây hoàn toàn có thể được
coi như một nghề bình thường như mọi nghề khác.
Vả lại,
chúng ta cũng không nên quên rằng còn có rất nhiều lao động tình dục tự-nguyện
chọn công việc này mà không hề bị ép uổng. Suốt mấy tháng qua, bản thân tôi
tham dự vào một chương trình thiện nguyện của nhà thờ tại Amsterdam, mỗi tối
thứ năm đi đưa trà, cà phê cho các cô gái bán hoa ở quận Đèn Đỏ (Redlight
District, Hà Lan). Tôi nhận ra rằng một bộ phận trong số họ hoàn toàn làm chủ
cuộc sống của mình, và tôi thật ra đã trở thành một kẻ vô duyên khi bắt đầu
công việc này với một tâm trạng xót xa. Đơn giản bởi họ không cần sự thương hại
của bất kỳ ai. Giả thuyết cần được xem xét là: Nếu lao động tình dục là tự
nguyện, không phải chịu áp đặt, thì lý do thứ nhất có thể được bỏ qua và đây
hoàn toàn có thể được coi như một nghề bình thường.
2. Lý
do thứ hai để lao động tình dục cần phải cấm là do nó thường bị gắn liền với
"tội phạm". Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, 80% số nạn nhân bị buôn
bán qua biên giới là phụ nữ và trẻ em gái, phần lớn trong số họ bị lạm dụng
tình dục, ép buộc làm việc trong ngành công nghiệp tình dục, hoặc trở thành nô
lệ tình dục ở các mức độ khác nhau. Mấy năm trước, tôi được xem một video chiếu
cảnh các cửa sổ quận Đèn Đỏ với những cô gái bán hoa nhảy múa đồng loạt theo
một điệu nhạc tưng bừng. Họ nhảy rất đẹp, như các diễn viên chuyên nghiệp vậy.
Rồi nhạc phụt tắt. Họ trở lại dáng đứng bình thường bên cửa sổ chờ khách đi
qua. Dòng chữ chạy qua màn hình ở giây cuối cùng: "Mỗi năm hàng ngàn cô
gái được hứa hẹn một sự nghiệp rạng rỡ trong ngành công nghiệp giải trí. Con
đường của họ dừng lại ở đây".
Lover
boy là một thuật ngữ các bậc cha mẹ ở Hà Lan có con gái sợ nhất, ám chỉ những
kẻ có vẻ ngoài điển trai, nói năng ngọt ngào, dụ dỗ các cô gái rơi vào tình
yêu, rồi sau đó bằng đủ mọi thủ đoạn dẫn họ vào con đường bán dâm, cách ly với
gia đình, dùng các chiêu trò khủng bố tinh thần và tình cảm để khiến con mồi
hoàn toàn mất phương hướng trong cuộc sống.
Các thủ
phạm gián tiếp khiến nhiều người phải làm cái nghề "thiếu đạo đức"
này dài vô tận: từ những kẻ là bố mẹ, bạn đời, hoặc người yêu vì vô số lý do
khác nhau đẩy người thân vào lựa chọn này, cho đến những lý do kinh tế, quyền
lực, hoặc tôn giáo. Hàng trăm ngàn phụ nữ và trẻ em ở Iraq bị nhà nước Hồi giáo tự xưng
IS, suy diễn từ một vài câu trong kinh Quran, để bắt làm nô lệ tình dục phục vụ
cho quân lính là một ví dụ.
Hiển
nhiên, kẻ thiếu đạo đức là những kẻ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tình trạng
buộc người khác phải lao động tình dục. Để chỉnh đốn lại đạo đức, phải trừng
phạt kẻ gây tội. Tuy nhiên, kẻ gây tội thường khó tìm, khó bắt, khó túm tận tay
day tận trán, khó kết án. Ví dụ, không ai có thể trừng phạt một nền kinh tế
thiếu hiệu quả để người ta phải đi bán vốn tự có của mình nhằm nuôi sống gia
đình. Thế nên giải pháp dễ nhất là... trừng phạt nạn nhân, khiến cho họ hiểu
rằng bị người khác lạm dụng thôi chưa đủ, phải bị xã hội và pháp luật trừng trị
nữa thì mới đủ đô.
Kết
luận: Nếu cho rằng lao động tình dục là hậu quả của hành vi phạm pháp, và vì nó
là hậu quả của hành-vi-phạm-pháp nên nó xấu, cần phải cấm, thì có thể thấy ngay
sự vô lý của việc coi nạn nhân của một hành vi phạm tội cũng là tội phạm. Xuất
phát từ quan điểm này, tại các nước Bắc Âu, kẻ bị trừng phạt không phải lao
động tình dục mà là những người mua dâm.
Thêm
một lần nữa, vấn đề ở đây là mức độ. Giả thuyết cần được xem xét là: Nếu chúng
ta có thể đảm bảo được rằng lao động tình dục không phải là hậu quả của một
hành vi phạm pháp, thì đây hoàn toàn có thể được coi như một nghề bình thường
như mọi nghề khác.
3. Lý
do thứ ba chúng ta thường dẫn ra để phản đối lao động tình dục là "làm
điếm sẽ bị xã hội coi thường". Lý lẽ này không phán xét việc bán dâm đúng
hay sai, mà chỉ chú trọng vào thái độ của xã hội đối với nó. Chúng ta tránh xa
nó vì nó là nghề dễ bị hạ thấp, danh dự và nhân phẩm dễ bị chà đạp.
Khi
nhìn thấy ảnh của cô gái nổi tiếng bị đăng chình ình trên báo cho thiên hạ phỉ
nhổ, bạn tôi kêu: "Làm điếm thì cũng không có gì là xấu, chỉ là bán sức
lao động như bao người khác thôi. Nhưng vẫn phải chửi để con đó biết rằng muốn
bản thân yên ổn thì đừng có làm điếm".
Nói một
cách khác, lý lẽ của bạn tôi là: Người lao động tình dục cũng là người với đầy
đủ nhân quyền. Nếu chỉ vì lao động với một bộ phận khác của cơ thể mà bị nhục
mạ thì vô cùng thảm thương, vì thế, họ cần được bảo vệ khỏi sự nhục mạ đó bằng
cách bị... nhục mạ lại cho đến khi hiểu ra lẽ đời (!)
Nhìn
quanh, tôi không thể đếm được có bao nhiêu nghề cũng bị coi thường, chả cứ nghề
lao động tình dục. Có bao nhiêu kẻ trong số chúng ta đã từng bĩu môi khinh bỉ
khi gọi người khác là con ô sin, thằng cửu vạn, lũ bới rác, bọn đánh giày?
Kết
luận: Nếu cho rằng lao động tình dục sẽ bị xã hội khinh rẻ, coi thường, và để
họ khỏi bị khinh rẻ coi thường thì cứ ... khinh rẻ coi thường lại họ cho họ
thấm cái hậu quả, suy ra có rất nhiều nghề nghiệp khác có thể cũng nên bị cấm,
vì nó cũng bị khinh rẻ coi thường, và rất nhiều người lao động khác cũng bị
thiên hạ khinh khi chứ không cứ gì lao động tình dục.
Vấn đề
ở đây là mức độ. Sự khinh rẻ thế nào thì chỉ là lời lẽ vô tâm, như thế nào thì
thành nhẫn tâm, như thế nào thì thành hưởng lợi trên nỗi thống khổ của nguời
khác? Giả thuyết cần được xem xét là: Nếu chúng ta có thể đảm bảo được rằng
quyền con người được tôn trọng hơn, xã hội có lương tâm hơn, ít kẻ tìm cách
kiếm tiền bằng thân xác của người khác hơn, thì lao động tình dục hoàn toàn có
thể được coi như một nghề bình thường như mọi nghề khác.
4. Lý
do thứ tư, và là lý do được sử dụng nhiều nhất, để phản đối lao động tình dục
là việc cho rằng hành vi bán dâm không thể coi ngang hàng như bán các kỹ năng
khác vì nó bán một thứ mà người ta coi là quá-riêng-tư. Lý do này cũng có
thể bị tranh biện lại như sau: Người cầm bút bán suy nghĩ từ tận đáy lòng mình,
người nổi tiếng thậm chí bán câu chuyện của cá nhân mình từ chốn phòng the đến
chuyện ân oán thù ghét của gia đình chính mình và bạn bè bằng hữu, in sách in
báo, gào to lên cho cả thiên hạ biết để kiếm tiền. Những thứ đó chắc chắn riêng
tư hơn việc một mẩu thịt ở giữa hai chân động chạm vào một mẩu thịt khác.
Tiếp
theo, việc bán dâm không thể coi như bán các năng lực khác vì nó bán một thứ quá-thiêng-liêng.
Lý do này thường xuất phát từ quan điểm đánh đồng tình dục với tình yêu. Điều
này thì có lẽ không cần giải thích, vì tình dục đơn giản chỉ là bản năng sinh
tồn của cuộc sống. Từ việc một tế bào sinh làm hai, cho đến phấn hoa nhờ gió để
thụ tinh, hay tự nhiên như thế giới động vật đến kỳ là giao phối, con nguời
cũng vậy, tình dục là một phần của vòng quay cuộc sống. Nó có thể được coi là
thiêng liêng nếu nó đi cùng với tình yêu, nhưng không thể coi bất kỳ hành vi
tính dục nào cũng phải là biểu hiện của tình yêu. Bởi nếu thế giới phải nhờ đến
tình yêu để sinh sản, thì chúng ta đã không có mặt trên trái đất này.
Lý do
kế tiếp cho rằng bán dâm là bán một thứ trần-tục, bẩn-thỉu. Tuy nhiên từ
xa xưa, tình dục từng được tôn vinh như cội nguồn của cuộc sống. Những nền văn
minh cổ ở sông Tigris và Euphrates có rất nhiều đền thờ với tên gọi "ngôi
nhà thiên đường", thờ cúng các vị nữ thần của ái ân. Trong đền thờ này,
những nghi lễ tình dục được gọi là "việc hiến dâng thiêng liêng"
(sacred prostitution). Nền văn minh cổ Babylon
yêu cầu tất cả các phụ nữ bất kể giàu nghèo xinh xấu phải ở lại đền thờ và ân
ái với một vài người lạ mặt ít nhất một lần trong đời và nhận tiền của họ.
Không ai có quyền từ chối những đồng tiền linh thiêng này. Thời cổ Hy Lạp,
những hetaera thường có học vị cao, vị trí quyền lực hơn nhiều phụ nữ khác.
Tóm
lại, tình dục nên được nhìn khách quan như một nhu cầu của cuộc sống từ xa xưa,
chưa chắc đã cần tội phạm hóa, hay thiêng liêng hóa một hành vi vốn rất cơ bản
như ăn mặc ngủ của loài người vốn dĩ. Từ khía cạnh kinh tế, cơ chế cung cầu là
quy luật của cuộc sống. Một danh hài từng nói rằng sự khác nhau giữa một cuộc
hẹn hò và một cuộc mua dâm là với cuộc hẹn hò, người ta hy-vọng sẽ
được làm tình, với cuộc mua dâm, người ta chắc-chắn sẽ được làm tình.
Nếu lao
động là vinh quang, thì lao động tình dục không nhất thiết phải bị đặt ở vị trí
đối chọi với việc bán sức lao động, bất kể chân tay, sức sáng tạo trí óc, hay
cơ thể đẹp đẽ với tư cách người mẫu. Một nghề không ăn cắp ăn trộm của ai,
không ép uổng ai, làm ra tiền bằng công sức của chính mình là một nghề lương
thiện.
Nguyễn
Phương Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét