Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Sống trong tình yêu…

Khánh Hoàng



Tình yêu rất đẹp còn hôn nhân thì đẹp vừa thôi. Nhiều người ví tình yêu như chén rượu, còn hôn nhân như bát cơm. Rượu làm chúng ta lâng lâng trong cảm giác men say, còn cơm thì làm chúng ta no bụng và nuôi sống chúng ta.


Các nhà văn ví tình yêu như thơ và hôn nhân như văn xuôi. Thơ bay bổng, đầy lãng mạn, nhiều thi vị, còn văn xuôi thì mộc mạc và thiết thực. Có người bạo miệng hơn, nói rằng hôn nhân hoặc là lâu đài hạnh phúc, hoặc là nấm mồ của tình yêu. Vậy nếu hôn nhân là nấm mồ của tình yêu thì chúng ta sống như thế nào trong nấm mồ đó và ứng xử ra sao? Tôi xin kể một nấm mồ tình yêu để bạn đọc tham khảo.
Tùng và Phương yêu nhau rất sớm. Mới học lớp 7, hai người đã phải lòng nhau. Ngồi trong lớp, Tùng và Phương hay đưa ánh mắt nồng nàn cho nhau. Không thể giấu được tình yêu. Đúng như câu hát dân ca: “Yêu nhau đứng ở đằng xa. Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần”. Nhưng đó là tình yêu tuổi học trò, trong sáng lắm, bồng bột lắm nhưng cũng mãnh liệt lắm. Dù chưa một lần nắm tay nhau, còn chưa dám xưng hô anh anh em em nhưng hai cô cậu luôn nhớ nhau và ấp ủ một tình yêu thầm kín. Rồi Tùng thi đỗ Trường Đại học Bách Khoa, còn Phương thi trượt và ở nhà làm ruộng. Là sinh viên sống ở Hà Nội nhưng trái tim của Tùng thì đặt ở quê nhà. Hầu như tuần nào Tùng cũng về quê thăm Phương. Rất may là đường từ Hà Nội về Bình Lục (Hà Nam) cũng gần và xe cộ không khó khăn lắm. Nhà Tùng và nhà Phương ở cạnh nhau nên thường đổi công cho nhau trong những ngày mùa. Mùa cấy, mùa gặt mẹ Phương và Phương sang làm giúp mẹ Tùng rồi sau đó mẹ Tùng lại làm giúp gia đình Phương. Việc cấy, việc gặt ở vùng đồng chiêm trũng rất nặng nề vì đồng sâu bùn lầy nhưng Tùng rất thích những buổi làm đổi công như thế. Cậu sinh viên Bách Khoa cũng làm đồng hùng hục như trai làng, vì có Phương bên cạnh. Rồi Tùng ra trường và đi làm, công việc ổn định, thu nhập khá. Sau ba năm đi làm và chắt chiu từng đồng tiền lương, Tùng đã mua được một căn hộ 30m2 trong Khu tập thể Thanh Xuân Bắc. Đến lúc này anh mới quyết định cưới vợ. Một tuần sau ngày cưới, Tùng đưa Phương về Hà Nội sống. Nhất định phải như thế vì vợ chồng trẻ phải xa nhau một ngày là dài lắm, dài như nửa đời người. Họ sống với nhau tràn đầy hạnh phúc. Rồi Phương sinh con trai đầu lòng và con gái thứ hai. Bây giờ vấn đề tài chính trở nên quan trọng vì nhà có bốn miệng ăn. Phương quyết định mở một quán ăn nhỏ để kiếm thêm. Rất may là lúc đó đất lưu không giữa các khu nhà tập thể vẫn còn nhiều. Chỉ cần liều một tí, cắm lên mấy cây cột, lợp mái tôn và bao quanh cũng bằng tôn, thế là có một cái quán nhỏ. Hàng của Phương là canh bánh đa cá rô đồng. Đây là đặc sản của Bình Lục. Bánh đa Bình Lục rất ngon nhờ hạt gạo đồng chiêm. Cá rô đồng chiêm trũng cũng sẵn và ngon, chỉ về quê đặt hàng là có. Con gái Bình Lục người nào cũng làm giỏi món canh bánh đa rô đồng. Các quán phở, quán bún, quán miến ở Hà Nội đầy rẫy nhưng món canh bánh đa rô đồng thì ít, do đó quán của Phương đông khách.

Món canh bánh đa rô đồng ngon hay không quyết định ở nguyên liệu và người làm. Người Bình Lục làm bánh đa đã nhiều đời nên chất lượng bánh ngon hơn hẳn sản phẩm của nơi khác.
Bánh đa Bình Lục thơm, dai nấu không nát. Cá rô đồng chiêm ăn thóc thối và hoa lúa nên thịt chắc, thơm, không nhão như cá nuôi ao. Phụ nữ Bình Lục làm món canh bánh đa rô đồng rất giỏi. Họ biết thế nào là vừa nước, vừa lửa và khi nào thì cho lá hẹ vào. Món này cần rất nhiều lá hẹ thái nhỏ, không có lá hẹ không phải là món canh bánh đa rô đồng. Lá hẹ cho vào đúng lúc, ăn hơi se và giòn.
Chị Phương chế biến món ăn này khá công phu. Rô đồng tươi, còn bơi rất khỏe đem rửa sạch, đánh vảy rồi luộc chín. Cá luộc xong đổ ra rổ nhựa, để khoảng mươi phút thì gỡ lấy thịt. Phải gỡ thịt cá khi cá còn hơi nóng, nếu để nguội thì khó gỡ và miếng cá sẽ bị nát vụn. Xương và đầu cá cho vào máy nghiền nhỏ, lọc lấy nước để làm nước dùng. Thịt cá rán sơ qua mỡ cho săn lại, để riêng. Nồi nước dùng sôi già, cho cà chua đã phi mỡ vào. Bánh đa ngâm nước lã, dúng vào nồi nước dùng hai lần, cho vào bát tô, rải thịt cá lên trên, dội nước dùng đủ ăn, bỏ thật nhiều lá hẹ thái nhỏ lên trên cùng, thế là có bát canh bánh đa rô đồng. Nồi nước dùng muốn ngon không nêm muối mà nêm nước mắm ngon. Làm món này không được tiếc nước mắm ngon. Nước dùng nêm nước mắm ngon không cần cho mì chính mà vẫn ngọt lừ. Quán của chị Phương rất đông khách, hôm nào khách cũng phải ngồi chờ một lúc mới được ăn. Chị Phương chỉ bán từ 6h sáng đến12h trưa là đóng cửa. Buổi chiều chị nghỉ tay một chút rồi chuẩn bị nguyên liệu cho ngày mai. Anh Tùng cũng giúp vợ một tay, sau giờ làm việc ở cơ quan về. Lúc đầu mở quán chị Phương nghĩ là chỉ để kiếm thêm, không ngờ lợi nhuận của quán ngày càng nhiều. Lợi nhuận thu từ món ăn quê kiểng này cao hơn lương tháng của anh Tùng. Kinh tế gia đình ngày một khá hơn. Họ bán căn hộ trên tầng 3, mua một căn hộ ở tầng trệt, sửa sang lại sáng sủa đẹp đẽ. Có một căn hộ ở tầng 1, việc kinh doanh thuận lợi hơn nhiều. Nhà ở vừa là nhà hàng. Cái quán tạm bợ trước đây giờ chị Phương cho người khác thuê bán quẩy và bánh rán. Họ sống hạnh phúc, tiền đầy túi, tình đầy tim. Hai con họ ngoan và học giỏi, năm nào cũng là học sinh xuất sắc. Từ khi theo chồng từ Bình Lục lên Hà Nội, chị Phương không dám nghĩ đến cảnh sung túc, đầm ấm và hạnh phúc như hôm nay. Tùng cũng không ngờ rằng vợ anh lại đảm đang và giỏi giang đến thế. Người Hà Nội rất khôn ăn nên “câu” được khách và giữ khách là không dễ. Món ăn phải ngon, chất lượng luôn ổn định, trăm bữa như một. Bàn ghế, bát đũa phải sạch sẽ. Người phục vụ phải nhiệt tình và vui tươi, bận mấy, tất bật mấy cũng luôn phải giữ nụ cười tươi trên môi. Tiền nhiều hơn, chị Phương cũng xinh đẹp hơn. Bà chủ nhà hàng ở Hà Nội không thể không xinh đẹp, nhưng phải có tiền mới xinh đẹp được.

Nguồn cá rô đồng của chị Phương phải lấy từ Bình Lục. Bánh đa cũng phải lấy từ Bình Lục. Chị không thể mua cá rô ở chợ tại đây để làm hàng. Bánh đa cũng không thể mua ở chợ, vì chất lượng không đảm bảo, nấu dễ bị nát.
Hai thứ chị Phương có thể mua được ở chợ là lá hẹ và cà chua. Hai nguyên liệu chính là bánh đa và rô chị phải nhờ anh Tân ở quê thu gom và mang đến nhà chị hai ngày một lần. Người Bình Lục đến trẻ trâu cũng biết cắm rô. Buổi chiều đi trên đồng lúa nhìn đâu cũng thấy cọc tre đánh dấu rọ rô. Sớm mai, các rọ rô được nhấc lên. Những con rô đồng chiêm lưng đen, bụng vàng mướt quẫy rất khỏe trong rọ. Người ta mang những chiếc rọ ấy về đổ vào bể nhà anh Tân. Cá trong bể được anh Tân chia làm hai loại. Loại to để riêng, mang lên Hà Nội cho chị Phương, loại nhỏ vợ anh Tân mang ra chợ bán. Rô đồng rất khỏe, có thể sống được nhiều ngày, nhưng chị Phương không nhốt cá rô quá hai ngày. Ngâm thóc thối cho cá ăn ngày hai lần và thay nước ngày hai lần, cá có thể sống được cả tuần, nhưng chất lượng con cá kém đi, đồng nghĩa với chất lượng hàng ăn của chị cũng kém đi. Vì thế chị đề nghị anh Tân giao hàng hai ngày một lần.
Anh Tân rất nhiệt tình. Ngoài việc chọn hàng chất lượng nhất để giao cho chị Phương, anh Tân còn giúp chị Phương nhốt cá, làm thịt cá, luộc cá, gỡ cá, xay xương và đầu cá, nhiều khi đến tối anh mới phóng xe về Bình Lục. Buôn có bạn, bán có phường, anh Tân là bạn cũ của chị Phương ở quê nên chị hoàn toàn yên tâm về chất lượng hàng, còn giá cả cao thấp thì không quan trọng lắm, giá cả đầu vào do người ăn chịu.
Tùng là kỹ sư điện tử, nhưng là con người của gia đình. Với anh vợ và hai con là tất cả. Nghề bán hàng ăn vất vả nhất là buổi sáng. Bốn giờ sáng hai vợ chồng đã dậy rồi. Cái nồi nước dùng nặng lắm, Phương không bê được và đó là việc của Tùng. Trong khi Phương đem cá trong tủ lạnh ra xào lại thì Tùng kê bàn ghế, lau nhà và kiểm tra mọi thứ. Tất cả bát sứt mẻ Tùng đập hết. Những đôi đũa chớm mốc anh cho vào bếp lò đốt đi. Những đĩa ớt tươi, những miếng chanh còn tồn lại cũng đổ hết. Người Hà Nội thích ăn gia vị nhưng tất cả phải tươi mới, miếng ớt hôm qua giờ đã bị quắt lại rồi, trông không ngon mắt nữa. Những miếng chanh còn lại cũng héo rồi, phải bỏ hết. Rồi lọ nước mắm, lọ bột tiêu, lọ giấm tỏi v.v.. Tùng kiểm tra và chuẩn bị tất cả. Khách hàng vào quán, nhìn những thứ gia vị đó đã thấy thích rồi. Vì thế, mỗi lần phải đi công tác xa là Tùng lại thấy thương vợ. Vắng anh, nghĩa là Phương phải dậy từ 3h sáng và phải tất bật suốt buổi sáng. Nhưng anh không thể không đi công tác, vì đó là việc của công ty. Anh lĩnh lương tháng của người ta thì phải chịu sự phân công của người ta. May mà còn có Tân giúp đỡ, nếu không thì Phương vất vả lắm.

Tùng phải đi Đà Lạt hai tuần. Đây là thủ phủ của hoa. Bây giờ người trồng hoa của Đà Lạt rất thích các giống hoa của châu Âu. Trồng các loại hoa châu Âu, đương nhiên việc chăm sóc phải khác. Tốt nhất là làm nông nghiệp 4.0.
Nhìn vào danh mục đầu tư, tưởng rằng số tiền phải bỏ ra là rất lớn, nhưng đó là cách làm hiện đại nhất và tiết kiệm nhất. Tùng phải vào Đà Lạt, thiết kế hệ thống cảm biến cho một cánh đồng hoa rộng 20 ha. Hệ thống cảm biến của Tùng sẽ kiểm tra tất cả, nhiệt độ, độ ẩm trong nhà kính, bao giờ thì phải tưới hoa, bao giờ thì phải mở mái nhà kính để những bông hoa được nhận trực tiếp ánh nắng mặt trời và bao giờ phải cho hoa ăn sương đêm. Công việc của Tùng là như vậy. Trước khi đi, Tùng nói với vợ: “Hai tuần tới em sẽ vất vả lắm đấy. Nhưng anh không thể không đi”. “Anh cứ đi đi. Em sẽ lo được mà”. Tùng vào Đà Lạt, làm việc mỗi ngày từ 12-16h. Anh muốn hoàn thành công việc sớm hơn để về nhà với vợ. Nhiều hôm anh kéo điện làm việc cho tới 12h khuya. Hệ thống cảm biến lắp đặt rất tốt và hoàn thành trước thời gian 3 ngày so với hợp đồng. Chủ vườn hoa hài lòng lắm và thưởng cho Tùng 20 triệu đồng. Nhận tiền thưởng là Tùng bay ra Hà Nội ngay. Anh muốn về nhà thật sớm để tặng vợ món tiền anh được thưởng và để giúp đỡ vợ vào các buổi sáng. Nhưng khi anh về nhà, mở cửa ra thì thấy Phương và Tân đang quấn lấy nhau trên giường ngủ của vợ chồng anh. Tùng đóng sầm cánh cửa rồi đi nhanh ra nhà hàng bia hơi. Anh không gọi món nhắm mà uống bia suông. Mỗi cốc bia anh uống hai hơi là cạn. Anh uống liền 15 cốc bia. Ruột gan anh đang bốc lửa, bao nhiêu bia lạnh đổ vào cũng không hạ hỏa. Một cảm giác hụt hẫng tràn ngập trong tâm hồn Tùng. Anh cảm thấy như vừa bị mất đi một cái gì đó cực kỳ quý báu, còn quý hơn cả sinh mạng của anh. Khi anh bắt quả tang vợ ngoại tình mới hơn 12h trưa. Vậy mà Tùng ngồi ở nhà hàng bia hơi cho đến gần tối mới về. Bước chân uể oải, tâm hồn trống rỗng. Tối hôm đó, Tùng ôm gối ra đi văng ngủ. Cái giường hạnh phúc của vợ chồng anh bây giờ bẩn rồi, vợ anh cũng bẩn rồi, làm sao có thể ngủ chung được nữa. Tùng tắt đèn nằm mà không nhắm mắt một chút nào. Lúc này anh đang nghĩ rất nhiều về hai đứa con. Chúng ngoan quá, học giỏi quá. Cả khu này chỉ có hai đứa con của anh vào được Trường Amtesdam mà thôi. Nếu chúng biết chuyện gì đã xảy ra trong cái nhà này thì chúng sẽ buồn chán lắm. Và vì buồn chán chúng nó sẽ bỏ bê việc học hành rồi đi bụi. Vì thế, Tùng quyết định không ly hôn mà giả vờ sống yên ấm với vợ. Mỗi sáng, anh vẫn thức dậy vào lúc 4h, vẫn nhóm lò, kiểm tra mọi việc giúp vợ. Thường thì 6h sáng đã có khách ăn rồi. Trong khi Phương phục vụ khách thì Tùng đi ăn phở rồi đi làm. Mặc dù anh rất thích món canh bánh đa rô đồng nhưng bây giờ thì anh không ăn nữa, vì cảm thấy đôi tay của Phương lúc nào cũng bẩn thỉu.
Rồi một buổi sớm, trong khi Tùng đang lau nhà thì Phương quỳ trước mặt anh: “Em có tội. Tội to lắm. Nhưng em xin được anh tha thứ”. “Anh sống với em bình thường từ ngày ấy đến nay là đã tha thứ rồi”. “Nhưng sống thế này ngột ngạt lắm”. “Bây giờ chúng ta đang sống trong nấm mồ của tìnhyêu, đương nhiên là ngột ngạt rồi. Nhưng chúng ta vẫn phải sống như thế này tất cả vì các con”.
Và 6 năm qua, Tùng vẫn sống với vợ như thế, rất chu đáo tận tình, vẫn anh anh em em nhưng tất cả là giả vờ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét