Năm
1972, họa sĩ Đỗ Minh nhập ngũ và vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Đêm
hôm đó, đại đội của Đỗ Minh được lệnh tập kích vào một chốt địch ở Kon Tum.
Phương
án cuộc tập kích đã được bàn bạc rất kỹ. Đơn vị sẽ bí mật hành quân đến điểm
cao nơi có một đại đội quân Ngụy đang chốt giữ. Đường hành quân phải qua một
bãi cỏ rộng. Giữa hai đợt quân địch treo đèn dù, quân ta phải chạy thật nhanh
qua bãi cỏ để tránh tổn thất và để không lộ ý đồ trận đánh. Hôm đó Đỗ Minh chạy
sau cùng. Khi anh sắp vượt qua được bãi cỏ rộng thì một chùm đèn dù đã bật sáng
trên trời và một tràng đạn 20 ly nổ ào ào. Đỗ Minh bị dính đạn vào đùi. Đơn vị
cứ chạy còn Đỗ Minh thì cố lết vào bìa rừng Ngọc Linh. Anh xé quần áo băng vết
thương. Máu chảy nhiều quá. Đến gần sáng thì Đỗ Minh ngất đi. Anh tỉnh dậy
trong một ngôi nhà nhỏ có bếp than hồng. Cảm giác đầu tiên của Đỗ Minh là rét.
Anh cố trườn đến gần bếp than hơn. “Úi! Anh tỉnh rồi”. Người nói câu đó là một
phụ nữ Xê Đăng da đen, có đôi môi dày và bộ ngực lớn. “Tôi đang ở đâu?”. “Đây
là bản Ngọc Lâu của người Xê Đăng, trên núi Ngọc Linh, cao lắm. Anh tỉnh là tốt
rồi. Còn em tên là Pơ Lang”.
Mờ sáng
hôm đó, Pơ Lang đã nhặt được Đỗ Minh bên bìa rừng và cõng anh về nhà. Chị sát
trùng vết thương cho Đỗ Minh bằng rượu cất hai lần và cho anh uống nước cây hạt
đỏ. Ở Ngọc Linh có một loài cây mọc lẫn trong cỏ dại gọi là cây hạt đỏ. Hạt nó
đỏ chói, đỏ hơn cả cái mào của con gà rừng. Người sắp chết, người kiệt sức uống
nước cây hạt đỏ có thể tỉnh lại và hồi phục rất nhanh. Không có sữa cho anh bộ
đội ăn, Pơ Lang phải nặn sữa của người mẹ trẻ vào miệng Đỗ Minh. Pơ Lang đang
nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi nên bầu sữa của chị rất đầy. Khi anh bộ đội đã có
chút sức lực, Pơ Lang đã cho anh ta bú sữa như cho con bú. Anh chồng Pơ Lang
vừa mất được ba tháng. Sáng hôm đó anh trèo lên ngọn cây cao để lấy dù pháo
sáng. Đột ngột, một chiếc máy bay phản lực rẹt qua, anh giật mình ngã xuống đất
và chết. “Viên đạn trong chân anh em đã lấy ra rồi, rất may là nó chưa chạm vào
xương. Anh ở đây vài bữa là khỏe như con dê rừng thôi”- Pơ Lang nói.
Và sáng
ngày 19/3/1973, dược sĩ Đào Kim Long và một chiến sĩ lên núi Ngọc Linh tìm cây
thuốc. Đào Kim Long là cán bộ của Cục Dược liệu thuộc Chính phủ Cách mạng lâm
thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Còn người chiến sĩ đi theo để bảo vệ dược sĩ
Đào Kim Long. Hai người leo đến độ cao 1.800m so với mặt biển thì người chiến
sĩ trông thấy một cây hạt đỏ nằm lẫn trong đám cỏ dại. Anh hỏi dược sĩ Đào Kim
Long: “Thủ trưởng ơi, đây là cây gì?”. Đôi mắt của Đào Kim Long sáng bừng lên.
Ba năm giảng dạy ở Trường ĐH Dược Hà Nội, thầy Đào Kim Long đã thuộc mặt 19
loài cây sâm nên ông biết ngay đây là Nhân sâm. Đó là thời điểm 9h sáng, ngày
19/3/1973. Cây sâm này được dược sĩ Đào Kim Long đặt tên là sâm Ngọc Linh. Bây
giờ trong Điển dược Quốc tế, cây sâm Ngọc Linh được đăng ký kèm theo tên ông
Đào Kim Long. Hôm đó thầy Long đã đến nghỉ ở nhà Pơ Lang và giúp Đỗ Minh tìm về
đơn vị.
Nhờ gặp
được dược sĩ Đào Kim Long mà họa sĩ Đỗ Minh tìm được về đơn vị. Đây là một sự
kiện rất quan trọng của người lính.
Chiến
đấu cùng đồng đội là sinh mệnh chính trị của người chiến sĩ. Nếu anh không tìm
được về đơn vị thì người ta sẽ viết giấy báo tử gửi về nhà và gia đình sẽ khóc
hết nước mắt. Còn biết đơn vị mà không tìm về thì bị coi là đào ngũ.
Giữa hai
trận đánh, khi về hậu cứ, Đỗ Minh thường chỉ làm một việc là vẽ chân dung Pơ
Lang. Anh vẽ rất nhiều, khi là đôi mắt, khi là đôi môi, là bộ ngực. Đó là những
ghi chép chủ yếu để sau này anh dựng nên bức chân dung tuyệt vời của người yêu.
Bộ ngực của Pơ Lang đã cho anh sữa để sống khi cận kề cái chết. Đôi môi Pơ Lang
đã trao cho anh tình yêu chất phác mà mãnh liệt của người con gái Sê Đăng. Dòng
sữa Pơ Lang đã chảy trong cơ thể anh, biến thành hồng cầu, thành tế bào trong
con người anh. Pơ Lang là tình yêu, là tất cả của anh.
Sau ngày
giải phóng miền Nam, Đỗ Minh được nghỉ phép một tháng, gọi là phép chiến thắng.
Nhưng trước hết anh về núi Ngọc Linh với Pơ Lang. Trông thấy Đỗ Minh, Pơ Lang
chạy từ trên dốc cao xuống và ôm chặt lấy anh đến mức bộ ngực đồ sộ của chị suýt
nữa làm Đỗ Minh ngạt thở. Bên bếp lửa, Pơ Lang nướng thịt chuột cho Đỗ Minh
uống rượu. Rượu ngâm sâm Ngọc Linh càng uống càng tỉnh táo, càng uống càng
khỏe. Và đôi tình nhân ghì chặt lấy nhau, lăn lóc trong sàn nhà gỗ. Anh ở với
Pơ Lang 2 tuần rồi mới ra Hà Nội. Tiễn anh xuống núi, Pơ Lang hỏi: “Anh còn vào
Ngọc Linh nữa không?”. “Có chứ. Em là tình yêu của anh, là người vợ quý của
anh, sao anh có thể quên em được”. Tình yêu không toan tính, không vụ lợi. Đỗ
Minh xác định mình đã có vợ rồi và hai tuần vừa qua có thể anh đã có con. Nhưng
đây là một mối tình éo le. Đỗ Minh là con trai Hà Nội, là trưởng nam trong dòng
họ. Còn Pơ Lang người Sê Đăng lại là gái đã qua một đời chồng và đã có một đứa
con. Đối với Đỗ Minh, những điều đó không hề quan trọng gì. Anh chỉ cần có Pơ
Lang là đủ. Nhưng bố mẹ anh không muốn biết tới Pơ Lang. Con trai họ là họa sĩ,
là trai tân, nhất định phải cưới một cô gái tân và phải sinh con nối dõi cho
dòng họ. Bố mẹ liên tục bàn chuyện cưới vợ cho Đỗ Minh nhưng anh lảng tránh.
“Đơn vị còn nhiều việc lắm. Tây Nguyên vừa giải phóng xong, còn cả một núi công
việc phải làm. Chính quyền cách mạng cần được xây dựng vững mạnh. Cần phải tổ
chức cho Ngụy quân, Ngụy quyền ra trình diện. Và cần phải củng cố, ổn định cuộc
sống mới cho nhân dân. Vì thế con chỉ ở nhà nửa tháng rồi phải vào đơn vị
ngay”. Nói tới nhiệm vụ của người chiến sĩ thì bố mẹ Đỗ Minh không thể bác bỏ
được và phải để cho con trai trở lại Tây Nguyên. Sau kỳ phép chiến thắng, trước
mắt mỗi người lính như Đỗ Minh có hai lựa chọn, hoặc là chuyển ngành đi xây
dựng kinh tế cấp huyện, hoặc là phục viên về sống với gia đình. Đỗ Minh không
xin chuyển ngành mà xin phục viên. Anh về núi Ngọc Linh, chặt cây, tìm gỗ để
sửa lại căn nhà gỗ của Pơ Lang cho rộng rãi và vững chắc hơn. Lúc này cái bụng
của Pơ Lang đã lùm lùm rồi.
Tuấn
Minh tổ chức triển lãm cá nhân. Tất cả tranh treo trong phòng triển lãm đều ghi
giá bán, riêng bức chân dung Pơ Lang thì không. Nhưng người xem lại đặc biệt
chú ý đến bức vẽ này.
Một nhà
sưu tầm tranh nước ngoài muốn mua bức chân dung Pơ Lang”. Nó lạ và đẹp. Tôi
muốn mua bức chân dung này”. “Tôi rất cảm ơn ông, nhưng tác phẩm này tôi không
bán”. “Tôi trả 25.000USD, ông có bán không?”. “Xin lỗi. Dù ông trả cao hơn nữa
tôi cũng không thể bán”.
Một cô
gái khá xinh đẹp gặp Tuấn Minh: “Anh vẽ chân dung rất đẹp. Anh có thể vẽ em
được không?”, Tuấn Minh nhìn rất nhanh cô gái vừa hỏi mình. “Được chứ”. “Bao
giờ thì em có thể đến xưởng vẽ của anh?”. “Xin cô chờ cho ít hôm, sau cuộc
triển lãm này”. Cô gái ấy tên là Hà Vy. Trong con mắt của Tuấn Minh, cô Hà Vy
khá ổn về hình họa.
Rồi Hà
Vy đã đến xưởng vẽ của Tuấn Minh. “Cô trang điểm nhiều quá. Những thứ cô bôi
lên mặt đều giả. Cô vào nhà tắm tẩy trang đi”. Hà Vy ngoan ngoãn làm theo lời
Tuấn Minh. Anh đưa cho cô gái một mảnh vải trắng rộng. “Tẩy trang xong, cô cởi
bỏ hết quần áo và choàng tấm vải này đi ra đây”. Một lúc sau, Hà Vy choàng mảnh
vải trắng bước ra. Tuấn Minh chỉ cho cô một cái ghế đôn: “Cô ngồi xuống đây và
bỏ mảnh vải ra”. “Anh bảo sao cơ?”. “Tôi bảo cô bỏ mảnh vải trên người ra”. Hà
Vy chần chừ có vẻ lo sợ. Tuấn Minh bước tới giật mảnh vải ném sang một bên. “Em
không chấp nhận vẽ khỏa thân đâu”. “Tôi không vẽ tranh khỏa thân. Nhưng bức
chân dung phải hoàn toàn là hình thể của cô, từ ánh mắt, làn da đến những tia
máu nhỏ chảy dưới làn da rất đẹp của cô. Sau đó tôi mới vẽ đến trang phục. Thân
thể cô là xương thịt và linh hồn của bức tranh, còn trang phục chỉ là bao bì
thôi”. Nghe thế Hà Vy có vẻ yên tâm hơn. Và buổi làm việc đầu tiên đã diễn ra
tương đối tốt. Trước khi ra về, Hà Vy hỏi Tuấn Minh: “Chả nhẽ thân thể em không
gây cho anh một ấn tượng gì à?”. “Tôi nhìn cô bằng con mắt hình họa và về hình
họa thì cô tương đối chuẩn. Chiều mai cô lại đến nhé”. Bố mẹ Tuấn Minh mừng
thầm khi thấy có một cô gái khá xinh hay đến xưởng vẽ và ở đó khá lâu. Có lẽ đó
là người yêu của Tuấn Minh và họ sắp có con dâu rồi.
Bức chân
dung Hà Vy đã xong. Khi cô đến, Tuấn Minh mở tấm vải che trước khung vẽ ra. Hà
Vy hiện ra trong tranh rất đẹp. Một sự tươi trẻ tràn lên mặt và sự đam mê đầy
trong ánh mắt. Vẻ đẹp đó của cô chỉ người họa sĩ mới nhìn thấy. Đẹp quá. Anh là
một tài năng”. Hà Vy ôm hôn Tuấn Minh rất tự nhiên và thì thầm: “Em có thể mang
bức tranh về được không?”. “Được chứ. Nhưng để mai anh làm khung và đóng thùng
các tông cho em mang về để tranh không bị hỏng”.
Chiều
hôm sau, Hà Vy đến lấy tranh và mang theo một chai rượu Tây. “Em muốn uống với
anh vài chén. Hôm nay là một ngày rất đặc biệt”. “Rất tuyệt. Nhưng không uống
rượu Tây. Anh có loại rượu hảo hạng gấp hàng trăm lần rượu Tây”.
Loại rượu mà Đỗ Minh nói tới là rượu sâm Ngọc
Linh. Loại rượu này càng uống, người càng khỏe và càng hưng phấn.
“Rượu
của anh ngon quá. Em uống thêm được không?”. “Tại sao không. Anh cũng đang uống
mà”. Hà Vy uống thêm mấy chén nữa rồi vào buồng tắm. Lúc cô từ buồng tắm đi ra
là một Hà Vy nuy hoàn toàn nhưng không phải để vẽ tranh. Mấy tháng sau thì Hà
Vy trở thành vợ của Tuấn Minh. Đêm tân hôn, Tuấn Minh không ngủ được. Anh cảm
thấy như mình đã phản bội Pơ Lang. “Anh làm sao thế?”. “Anh mệt quá. Cho anh
được yên một lúc”. Rồi khi Hà Vy đã thiu thiu ngủ, Tuấn Minh lại ra xưởng vẽ.
Anh bật đèn và quỳ trước chân dung Pơ Lang yên lặng như một người đang sám hối.
Phụ nữ nằm bên chồng thường rất nhạy cảm. Thiên chức của phụ nữ là giữ mối liên
hệ. Đàn ông đi chợ mua hàng thì chỉ tay vào món hàng. Còn đàn bà không chỉ tay
mà cầm hẳn món hàng lên xem kể cả đó là con cá rất tanh hay miếng thịt còn
vương máu. Đàn bà sinh ra là để tạo lập và gìn giữ mối liên hệ. Khi mối liên hệ
bị đứt thì người phụ nữ biết ngay dù lúc đó họ đang ngủ say. Tuấn Minh dậy rất
khẽ nhưng Hà Vy cũng biết. Cô khẽ khàng đi ra và nhìn thấy chồng đang quỳ trước
chân dung Pơ Lang. Cô vợ trẻ linh cảm có một mối quan hệ rất đặc biệt giữa
người phụ nữ Xê Đăng trong bức tranh và chồng cô. Cô về phòng nằm nhưng không
ngủ nữa. Tại sao Tuấn Minh có nhiều sâm Ngọc Linh quý như vậy. Đó là những củ
sâm hoang dại rất quý. Chắc chắn Tuấn Minh không thể lên dãy núi cao 2.000m để
tìm được những củ sâm này mà chắc chắn có người khác tìm cho. Chồng cô có mấy
chục tỷ đồng tiền sâm trong nhà. Như vậy là về kinh tế, Tuấn Minh có mối liên
hệ với người Xê Đăng và cụ thể là Pơ Lang.
Ba tháng
sau ngày cưới, Tuấn Minh nhận được một thùng hàng từ Tây Nguyên gửi ra. Trong
hộp xốp là một tảng thịt lợn rừng và một con cầy hương. “Thịt ngon quá. Nhưng
nhà mình làm sao ăn hết”. “Đây không phải là thịt người ta gửi cho nhà mình.
Tối nay có một cuộc họp rất quan trọng. Và số thịt này là để phục vụ cuộc họp
đó”. “Nhưng em không biết làm những món này”. “Em không làm được. Anh sẽ nhờ
một nhà hàng chế biến cho. Và tối nay cuộc họp sẽ được tổ chức ở đó”. Hà Vy
linh cảm rằng, người phụ nữ Xê Đăng trong tranh tối nay sẽ có mặt tại cuộc họp
này. “Em muốn tham dự cuộc họp, có được không?”. “Đây là cuộc họp trù bị để
chuẩn bị thành lập Hiệp hội sâm Ngọc Linh, người không liên quan không được
tham dự. Đây là một cuộc họp kín”.
Đêm đó
sau cuộc họp kín rất quan trọng ở nhà hàng, Tuấn Minh còn có một cuộc họp kín
khác ở khách sạn với Pơ Lang. “Tưởng cưới được vợ trẻ đẹp, anh đã quên em rồi”.
“Không bao giờ. Em là người đàn bà đến kiếp sau anh cũng không quên được. Anh
làm sao mà quên được bầu vú đã nuôi anh trong những ngày cận kề cái chết. Anh
càng không quên được con trai của chúng ta đang sống ở Ngọc Linh”. Và đêm đó
mãi tới 3h sáng Tuấn Minh mới về nhà.
Tuấn
Minh về rất khẽ khàng. Anh tắt máy xe cách cổng nhà 5m để vợ không nghe tiếng.
Rồi anh mở khóa cửa, dùng tay bóp ổ khóa và buông ra từ từ để khóa không phát
ra tiếng cạch.
Anh đẩy
xe vào sân, gạt chân chống rất nhẹ, mở cửa phòng ngủ rất êm và đi rón rén như
mèo. Anh cởi bỏ quần áo ngoài rồi đến ngồi khẽ bên mép giường và từ từ nằm
xuống. Tuy vậy nhưng Hà Vy vẫn biết, vì cô đang thức chờ chồng. Hà Vy xoay
người ôm chặt Tuấn Minh. Cô định hôn chồng nhưng lại thôi ngay, vì cô ngửi thấy
trên thân thể Tuấn Minh có mùi rất lạ, không phải mùi nước hoa của phụ nữ, cũng
không phải mùi thuốc lá mà một cái mùi gì đó cảm thấy rất rừng rú. Và hình ảnh
người phụ nữ Xê Đăng trong tranh của Tuấn Minh lại hiện lên trong óc Hà Vy.
Chắc chắn nhân vật này đang có mặt ở Hà Nội và đây là lý do Tuấn Minh về nhà
muộn như thế này. Hà Vy thở dài, không ôm chồng nữa. Cô cảm thấy nhói đau trong
tim và cảm giác đó làm cô ứa nước mắt. Cô không tra hỏi chồng về việc này. Đã
có biết bao bà vợ trong tình huống như thế này đã tra hỏi chồng rất nhiều.
Nhưng mọi cuộc tra hỏi có làm ông chồng ngoan lên được đâu mà chỉ khiến anh ta
ngày càng giỏi nói dối hơn mà thôi. Cũng có không ít người vợ đã đánh ghen.
Ngứa ghẻ hờn ghen thì hành động dại dột thế thôi chứ chẳng mang lại ích lợi gì.
Mọi cuộc đánh ghen đều không làm cho gia đình yên ấm hơn. Khi chồng có bồ và đi
đêm về hôm thì hạnh phúc gia đình có khả năng bị tan vỡ. Nhưng khả năng đó rất
nhỏ, vì rất hiếm người đàn ông bỏ vợ để chạy theo cô bồ. Nhưng nếu vợ đánh ghen
thì sẽ đẩy chồng ra xa mình hơn và đến gần với người tình hơn. Như vậy, việc
đánh ghen đã biến một khả năng nhỏ trở thành hiện thực, vì rất có thể ông chồng
sẽ ra sức bảo vệ người tình. Vì thế, Hà Vy quyết định im lặng. Nhưng cô vẫn không
ngủ được. Cô trăn trở mãi mà giấc ngủ không tới. Tuấn Minh cũng đoán biết được
vợ đang nghĩ gì. Anh chờ đợi vợ tra hỏi và chuẩn bị sẵn những lời nói dối.
Nhưng Hà Vy không hề nói gì. Sự im lặng của vợ khiến Tuấn Minh quý vợ hơn, đánh
giá Hà Vy cao hơn. Và anh quyết định nói hết sự thật với Hà Vy. “Vợ chồng muốn
có hạnh phúc thật sự thì phải thành thật với nhau. Hôm nay anh sẽ nói hết với
em. Trước hết anh thành thật xin lỗi em về buổi tối hôm nay. Ngay bây giờ, anh
sẽ nói hết sự thật, còn ứng xử thế nào thì tùy em. Pơ Lang đã ra Hà Nội họp và
anh đã gặp cô ấy ở khách sạn”. Sau mấy giây im lặng, Tuấn Minh đã kể hết với Hà
Vy về mối quan hệ của anh với Pơ Lang. Chuyện anh bị thương nằm một đêm ở bìa
rừng. Chuyện Pơ Lang tìm thấy, cõng anh về nhà khi cái chết đã gần kề. Và
chuyện Pơ Lang đã nuôi sống anh bằng sữa của cô ấy và củ sâm Ngọc Linh. Hà Vy
nghe hết sức chăm chú. Và cô bật khóc. Cô khóc không phải vì giận chồng mà câu
chuyện của Tuấn Minh đã khiến Hà Vy rất xúc động. “Chồng yêu của em ơi! Em phải
nghìn lần cảm ơn Pơ Lang, vì nhờ lòng tốt của chị ấy mà bây giờ em có anh. Sáng
mai, nhất định vợ chồng mình phải mời chị Pơ Lang đi ăn sáng và sau đó tiễn chị
ấy ra sân bay. Em muốn cảm ơn chị Pơ Lang. Quá khứ của mỗi người là quá khứ. Và
dù quá khứ như thế nào thì hiện tại anh vẫn là người chồng mà em tự hào và
thương yêu nhất”. Hà Vy nói như vậy và ôm hôn chồng rất thắm thiết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét