Sex
là một đề tài muôn thủa của văn học, bởi lẽ nó vốn là phần cực kỳ quan trọng
trong đời sống con người, không có sex thì nhân loại không thể sinh tồn, phát
triển. Đời sống sex của loài người nguyên thuỷ theo chế độ quần hôn, tức tự do
tình dục; quan hệ tình dục đơn thuần chỉ là để giải quyết nhu cầu sinh lý và
sinh tồn. Loài người văn minh sống theo chế độ một vợ một chồng, gắn tình dục
với tình yêu, đề cao sự chung thuỷ vợ chồng; tình dục trở thành sự trao tặng,
dâng hiến quý giá chỉ có giữa mỗi cặp nam nữ yêu nhau.
Tạo hoá trao cho phụ nữ thiên chức thiêng liêng là sinh đẻ để duy trì sự sống
còn của loài người, vì thế họ có vai trò chủ yếu trong đời sống sex của nhân
loại. Nghe đâu thi hào Goeth từng nói đại ý: Con đường ngắn nhất đến người đàn
ông là đi qua cái dạ dày của họ; con đường ngắn nhất đến người đàn bà là đi qua
bộ phận sinh dục của họ. Goeth đặt ngang hàng nhu cầu ăn uống của đàn ông với
nhu cầu tình dục của đàn bà; phải chăng nói thế nghĩa là đàn bà có nhu cầu tình
dục mạnh hơn đàn ông? Có lẽ đúng như vậy, nếu nhu cầu tình dục yếu thì phụ nữ
sẽ không thể làm tròn chức phận bảo tồn giống nòi. Đàn ông có thể nhịn được
“chuyện ấy” chứ rất ít đàn bà chịu nhịn. Thực tế ta thấy sư nam nhiều, sư nữ
cực hiếm. Tiếng Việt có từ “động đực” chứ không có từ “động cái”. Khi không
được thoả mãn nhu cầu sex, phụ nữ có thể mắc chứng rối loạn tâm sinh lý, nam
giới thì không. Thế nhưng vì để giữ luân lý đạo đức xã hội nên phái đẹp buộc
phải giấu kín nhu cầu sex của mình; đây là một sự hy sinh lớn đáng khâm phục
của họ. Đời sống tình yêu-tình dục của nữ giới vô cùng phong phú, phức tạp, văn
học không thể bỏ qua. Đó là lý do giải thích vì sao sau khi được “giải phóng
tình dục” – hậu quả của công cuộc cải cách mở cửa về kinh tế –, chính các nhà
văn nữ Trung Quốc chủ yếu là giới trẻ lại châm ngòi và dẫn đầu sự bùng nổ văn
học sex ở nước này.
Văn học là nhân học, vì thế nó không thể không phản ánh đời sống sex và không
thể không viết về phụ nữ. Nhưng xã hội Trung Quốc thời xưa lại tránh nói, viết
về các đề tài này; tình yêu, tình dục và đàn bà rất ít xuất hiện trong các tác
phẩm văn học. Đó là do văn hoá Trung Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo.
Luận Ngữ - “Kinh Thánh” của người Trung Quốc xếp đàn bà ngang hàng với tiểu nhân
– loại người xấu, bị khinh bỉ, đối cực với quân tử – loại người tốt, cao quý
(“Duy nữ tử dữ tiểu nhân vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc
oán” Tạm dịch: Duy chỉ có đàn bà và tiểu nhân là khó nuôi dạy; gần họ thì họ
nhờn nhã, xa họ thì họ oán trách); vì thế đạo Khổng chủ trương “nam nữ thu thụ
bất thân”. Đã “bất thân” thì không thể có tình yêu nam nữ, và quan hệ tình dục
sẽ không gắn với tình yêu. Đàn ông cần đàn bà chỉ để giải quyết nhu cầu sinh lý
và có con nối dõi. Đàn ông, nhất là vua quan, tự cho mình có quyền tự do tình
dục (lấy nhiều vợ, được mua dâm ...), còn đàn bà thì bị cấm bởi tam tòng tứ đức
và nhiều hủ tục khác. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, phụ nữ bị đè nén hết
mức, nhu cầu tình yêu tình dục của họ bị cấm đoán một cách tàn bạo.
Phan Kim Liên và Tây Môn Khánh trong phim TQ "Tân Thủy Hử"
Nói là cố tránh nhưng dù sao các bộ tiểu thuyết lớn thời cổ như Tam Quốc, Thuỷ
Hử, Tây Du Ký đều không thể không viết về phụ nữ, về sex. Có điều, phần lớn
nhân vật nữ trong các tác phẩm này đều bị gán tội “dâm dật”. Trong Thuỷ Hử,
nhân vật nữ Phan Kim Liên vì chê chồng lùn xấu mà quyến rũ em chồng đẹp trai
(Võ Tòng), sau bị Tòng kết tội “dâm phụ” và giết chết. Tòng được ca ngợi như
một anh hùng, còn Liên thì bị coi là kẻ xấu xa vô đạo đức, kết cục bi thảm. Ba
tiểu thuyết trên tuy được dân Trung Quốc rất thích đọc nhưng rõ ràng thiếu tính
nhân văn và do đó chưa bao giờ được coi là tác phẩm xuất sắc của văn học thế
giới. Tới thế kỷ XVIII, Trung Quốc mới có truyện dài đầu tiên viết tương đối mạnh
dạn về đề tài sex – Hồng Lâu Mộng. Cô gái Lâm Đại Ngọc mang theo tư tưởng tiến
bộ của tác giả Tào Tuyết Cần được dựng thành một trong vài nhân vật chính của
tiểu thuyết này.
Ngược lại, văn học phương Tây, A Rập, Ấn Độ... xưa nay viết nhiều về sex và nói
chung đề cao phụ nữ. 10 tác phẩm văn học nổi tiếng nhất mọi thời đại do tạp chí
Time bình chọn năm 2007 đều có viết về đề tài ấy. Hai cuốn nhất nhì (Anna
Karenina và Bà Bovary) đều có nhân vật chính là nữ. Bà Bovary kể chuyện ngoại
tình của một phụ nữ chán chồng quê kệch, ca ngợi ý chí dũng cảm của bà dám đấu
tranh chống lại lễ giáo cũ. Tác phẩm văn học cổ nổi tiếng nhất nước ta – Truyện
Kiều viết về một kỹ nữ, nói lên sự cảm thông sâu sắc với số phận khổ nhục của
người đàn bà trong xã hội phong kiến. Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương làm thơ chủ
yếu cũng về đề tài sex...
Ngay cả sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, tàn dư thâm căn cố đế của tư tưởng
phong kiến và Nho giáo vẫn tiếp tục cấm đoán nhu cầu tình yêu tình dục của phụ
nữ Trung Quốc. Nhưng từ ngày Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa, văn hoá phương
Tây tràn vào nước này, sex không còn là đề tài cấm kỵ như trước; nhận thức về
sex của phụ nữ Trung Quốc được giải phóng như cái lò xo bị nén chặt bung ra.
Văn học Trung Quốc hiện đại đã phản ánh tình trạng đó. Các nhà văn nam giới
hăng hái đi đầu khai thác đề tài sex, như Phế đô của Giả Bình Ao, Vú to mông nở
của Mạc Ngôn... Nhưng phải đến thập niên 90 mới có nhiều cây bút nữ viết về
sex. Một loạt tác phẩm của Vệ Tuệ, Xuân Thụ, Tào Đình v.v... đua nhau xuất hiện
như hoa mùa xuân. Khác hẳn giới nhà văn nam, các “nhà văn mỹ nữ” thế hệ 70x,
80x này viết về tình dục một cách hết sức hồn nhiên, mạnh bạo, cộng thêm người
viết là nữ và phần lớn tác phẩm viết dưới dạng tự truyện nên giàu tính chân
thực, rất có sức thu hút bạn đọc, gây tiếng vang lớn trên dư luận. Sách của họ
đều bán chạy, tác giả nhanh chóng nổi tiếng và giàu có. Một số tác phẩm ấy đã
được dịch ra tiếng Việt, bán khá chạy, được báo chí ta ca ngợi nhiều, phê phán
ít.
Tác phẩm của các “nhà văn mỹ nữ” nói trên thể hiện một đời sống tình dục hoàn
toàn khác xưa của phụ nữ Trung Quốc. Bản tiếng Việt Búp bê Bắc Kinh giới thiệu:
tiểu thuyết có tính tự truyện này “đã mô tả bộc trực sự thức tỉnh về mặt tình
dục của một cô gái trẻ ... Sự say mê nhục cảm thẳng thắn của Xuân Thụ, thái độ
điềm nhiên với tình dục và phong cách vừa trữ tình vừa thô ráp thật sự là một
đột phá trong văn học Trung Quốc hiện đại.” Quả vậy, cô gái Xuân Thụ 15 tuổi
lần đầu đến gặp bạn trai dù chưa quen biết mà đã tự nguyện làm tình, sau đó tuần
nào cũng lặp lại dù bạn trai nói thẳng là không yêu. Cô sán lấy các chàng trai
khác không phải vì tình yêu mà chỉ vì muốn được thoả mãn nhục dục. Cô qua đêm ở
nhà bạn trai G, tắm truồng với nhau, dù bị gia đình G xua đuổi nhưng vẫn trơ
trẽn bám lấy G. Sau đó cô lại quan hệ với nhiều bạn trai khác. Cô chủ trương
giải phóng tình dục, đề cao tự do theo kiểu mấy câu lạc bộ ở Mỹ, nơi mọi người
“thoải mái trần truồng và quan hệ cởi mở”... Thực ra loại phụ nữ như thế từ xưa
đã có, nhưng chưa nhiều; ngày nay Xuân Thụ dám “thẳng thắn” viết thành sách
công bố các chuyện bậy bạ ấy cho thiên hạ biết có lẽ vì đã có quá nhiều người
như vậy.
Tiểu thuyết Cục cưng Thượng Hải của Vệ Tuệ thể hiện đời sống sex điên cuồng tới
mức bị coi là đồi truỵ và sách in xong bị nhà nước cấm lưu hành, tác giả tuy
giàu lên vì sách bán chạy nhưng đồng thời bị phê phán mạnh.
Trong Xin lỗi em chỉ là con đĩ nhân vật nam giới “tôi” coi Hạ Âu chỉ là thứ đồ
chơi để thoả mãn nhu cầu tình dục. Vì để kiếm tiền, cô gái này cam tâm làm gái
bao cho nhiều người; cô sống thời thiếu nữ quý giá ngàn vàng trong nỗi ô nhục
của một con điếm, thật là một bi kịch nói lên sự sa đoạ của giới trẻ Trung Quốc
ngày nay.
Truyện dài Con Quạ xuất bản năm 2001 của cây bút nữ Cửu Đan [1] gây tranh cãi
ồn ào cả ở Trung Quốc lẫn Singapore – xứ sở có 70% người Hoa này là nơi diễn ra
câu chuyện của nhân vật chính. Con Quạ kể lại quãng đời của một cô gái Trung
Quốc xuất ngoại học tiếng Anh do sinh kế buộc phải bán trôn nuôi miệng. Có
người coi đây là tự truyện của Cửu Đan, vì cô cũng từng du học 5 năm ở
Singapore, và nhân vật chính xưng “tôi”. Sau khi từ Singapore về nước, tận mắt thấy
nhiều phụ nữ Trung Quốc bất hạnh vì lý tưởng họ theo đuổi (tưởng rằng cứ xuất
ngoại là sẽ có cơ may đổi đời) đã bị tiêu tan, Cửu Đan quyết định viết cuốn
tiểu thuyết này như để thức tỉnh đồng bào mình. Cô đặt tên truyện là Con Quạ vì
các cô gái từ Trung Quốc sang Singapore
chẳng khác gì lũ quạ dời tổ đến đây, tuy không được dân bản xứ hoan nghênh
nhưng vẫn giãy giụa tìm cách sống còn và sinh sôi nảy nở. Tác phẩm vấp phải sự
phê phán dữ dội từ những người Trung Quốc sang Singapore du học hoặc làm việc.
Ngay ở đoạn đầu tác giả đã viết: “Singapore gọi những phụ nữ đến từ
Trung Quốc là Tiểu Long Nữ ... nghĩa là kỹ nữ. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ cần trở
thành người giàu có, chỉ cần đổi đời rồi không quay lại nghề cũ thì dù bị gọi
là gì đi nữa cũng chẳng sao.” Hiện nay nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn tiếp tục
sang Singapore
với giấc mơ đổi đời.
Ngoài Con Quạ, Cửu Đan còn viết một loạt tác phẩm được gọi là “văn học thân
xác” như Người đàn bà phiêu bạt, Yêu, Người tình Singapore, Phượng Hoàng, Tiểu
Nữ nhân v.v...
Các tác phẩm trên phản ánh thực tế xã hội Trung Quốc đang nhen nhóm xu hướng tự
do tỉnh dục, đặc biệt trong nữ giới. Đây là kết quả của cuộc cách mạng sex – sản
phẩm kèm theo của mấy chục năm cải cách mở cửa. Một điều tra cho thấy trên 50%
sinh viên Trung Quốc tán thành nam nữ “sống thử”. Nạn bán dâm hoạt động mạnh từ
đầu thập niên 90; về sau xuất hiện cả đĩ đực, như tại Câu lạc bộ quý bà nhà
giàu ở Hải Nam ,
các bà bỏ tiền mua dâm. Hoạt động bán dâm tràn lan tới mức trong kỳ họp Quốc
hội năm 2006, một đại biểu công khai đề nghị hợp pháp hoá hoạt động này. Từ
1994, các cửa hàng sextoy bắt đầu công khai bán hàng. Từ 2003 một số nơi xuất
hiện trò các cặp vợ chồng đổi vợ cho nhau một thời gian theo thoả thuận – rõ
ràng chỉ để thoả mãn nhu cầu nhục dục thèm của lạ. Báo cáo điều tra hàng năm
của một công ty đa quốc gia cho thấy năm 2004 mỗi người Trung Quốc bình quân có
19,3 bạn tình, mức cao nhất thế giới (2 năm trước đó là 2,1 người, thấp nhất
thế giới). Nhiều nơi tổ chức triển lãm sex, công khai trưng bày nữ khoả thân
người thật 100% và các loại sextoy, thậm chí biểu diễn tại chỗ cho công chúng
xem các tư thế làm tình đạt cực khoái (người biểu diễn mặc quần áo). Qua kiểm
tra ADN, khoảng 30% đàn ông Bắc Kinh phát hiện mình không phải là cha của đứa
con duy nhất vợ mình đẻ ra. Một cựu hiệu phó Đại học Bắc Kinh tiết lộ: trên 70%
nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ trường ông bị các giáo sư hướng dẫn “xài”... Tình
trạng trên ngày một phát triển.
Di Tình Thư là tác phẩm tiêu biểu cho xu hướng tự do tỉnh dục nói trên. Nó gây
ra một cuộc tranh cãi om xòm tới mức nhà phê bình nổi tiếng Chu Đại Khả nhận
xét: văn học Trung Quốc đã tiến sang thời kỳ “văn học động đực”, “viết văn bằng
nửa dưới thân xác” Tác phẩm này của cây bút văn học mạng Mộc Tử Mỹ [2], đầu
tiên xuất hiện trên mạng dưới hình thức nhật ký đời sống tình dục viết ở blog
của cô với nhiều chi tiết kinh khủng xưa nay chưa ai dám công bố, thu hút hàng
triệu dân mạng truy cập, download, nhiều website và blog khác đăng lại. Lượng
truy cập tăng vọt sau khi Mộc Tử Mỹ công bố tên họ và kỹ sảo sex của ca sĩ nhạc
rock Vương Lỗi, một người từng làm tình với cô. Sau đó Di Tình Thư được xuất
bản thành sách, lần đầu in 140.000 cuốn (gấp chục lần lượng in bình quân lần
đầu tác phẩm của các nhà văn gạo cội).
Tác giả công nhiên khoe: Tôi sống một cuộc đời rất tự đắc, có một công việc có
thể khiến mình ra vẻ bận rộn, ngoài công việc ra lại có một thú chơi vô cùng cá
tính hoá – làm tình, hơn nữa đối tượng làm tình thì có chọn lựa, có thay đổi,
nguồn dồi dào, tôi chẳng cần chịu trách nhiệm với họ, cũng không cần chi trả
tình cảm cho họ, thú chơi ấy không gây rắc rối cho tôi; nó như cái đĩa CD, muốn
nghe thì nghe, không muốn nghe thì nó im lặng.
Mộc Tử Mỹ chủ trương xoá bỏ nạn bán dâm bằng cách phụ nữ “nên dành cho cánh đàn
ông nhiều cơ hội (làm tình) hơn”. Cô tự nguyện làm tình với họ mà không đòi hỏi
gì hết, dù là tiền, tình, hôn nhân; cho nên không thể gọi cô là điếm; có thể vì
sự “hào hiệp” ấy mà không ít dân mạng đứng về phía cô. Mộc Tử Mỹ coi nhu cầu
làm tình cũng như ăn cơm uống nước, chẳng cần phải giấu giếm.
Hãy xem vài đoạn trong blog của cô:
+ Ngày 3/11/2003. Thứ Sáu, 3 giờ chiều, tôi ngủ dậy, sức lực tràn trề, bèn
nghĩ: “Đi làm tình thôi!”
+ Tối nay không chơi đàn ông à? - Tối qua chơi rồi, hôm nay nghỉ một chút.
+ Điều tra: tại sao anh làm tình với Mộc Tử Mỹ? Trả lời: 1. Không mất tiền; 2.
Hiếu kỳ; 3. Thích, có tình cảm.
+ [Mail gửi một nhà báo nam muốn phỏng vấn Mộc Tử Mỹ] “Muốn phỏng vấn tôi thì
trước hết hãy lên giường với tôi. Anh có thể dùng bao nhiêu thời gian trên
giường thì tôi dành cho anh từng ấy thời gian phỏng vấn.”
+ Gần 2 giờ đêm. Vương Lỗi nói: - Đi thôi! - Đi đâu? - Về nhà. - Xa lắm!... Lải
nhải một hồi, tôi bảo: Vương Lỗi này, chẳng bằng giải quyết tại chỗ đi. Làm
tình là chuyện đơn giản thôi mà. Tại chỗ, tức là ở chỗ tối cạnh nhà hàng. Khi
anh ta vén váy tôi lên, tôi bảo mặc váy thật tiện nhỉ... Kiểu doggy [3] này rất
nhiều người thích dùng.
+ Đối với tôi, quan hệ nam nữ là trực tiếp có quan hệ tình dục với đàn ông.
+ Tôi không phản đối tình yêu nhưng tôi phản đối sự chung thuỷ. Nếu tình yêu
nhất thiết phải xây dựng trên cơ sở chung thuỷ thì tôi thà không chọn tình yêu.
+ [Vì sao luôn thay bạn tình?] “Vui chứ sao. Dĩ nhiên còn có thể nghiên cứu
giống đực, mỗi gã đàn ông đều có một nội dung khác nhau.”
+ Hiện nay có nhiều sách nghiên cứu đàn bà nhưng đàn bà thì có quá ít kinh
nghiệm nghiên cứu đàn ông; nên tiến hành việc nghiên cứu ấy. Mong rằng đàn ông
nào từng bị tôi nghiên cứu đừng tức giận nhé.
+ Mặt tốt của tôi là sau khi chài được đàn ông, tôi có thái độ của một nhà
nghiên cứu, tương tự người nghiên cứu gái điếm thì đi thực tế ở nhà thổ.
+ Vì sao đàn ông chơi đàn bà thì khó mà đàn bà chơi đàn ông thì dễ thế? Rất
nhiều phụ nữ khi bị đàn ông chơi thì đòi trả tiền hoặc đòi được yêu. Lẽ ra làm
tình vốn là chuyện hai bên cùng thích, không được đòi hỏi gì cả...
Hiện tượng Mộc Tử Mỹ gây xôn xao trên văn đàn và dư luận Trung Quốc cho dù sách
Di Tình Thư vừa in xong đã bị cấm phát hành (nhưng hiện vẫn có thể đọc được
trên mạng và mua được sách chui). Mộc Tử Mỹ đã truyền bá quá khoa trương một
lối sống dâm dật phóng đãng đi ngược lại luân lý đạo đức của bất cứ xã hội nào.
Kiểu quan hệ tình dục như gà vịt ấy chỉ có thể reo rắc lối sống vô trách nhiệm,
biến con người trở thành loài vật, giết chết tình yêu – tình cảm cao quý làm
cho con người thăng hoa, đề tài quan trọng bậc nhất của văn học. Nó cũng giết
chết gia đình – thành tố cơ bản nhất của xã hội loài người. Nó reo rắc các bệnh
tình dục đe doạ tiêu diệt nhân loại. Một bà mẹ đọc Di Tình Thư xong giận dữ kêu
lên: “Thưa các ông các bà, chúng ta là người chứ không phải loài vật! Là người
thì phải tuân thủ đạo đức xã hội. Con gái tôi đang học cấp ba, cháu nói có
nhiều bạn nó ngày nào cũng đọc blog Mộc Tử Mỹ, thậm chí rất sùng bái cô ấy.
Điều đó không khỏi làm tôi lo lắng.”
Quả thật, trong xã hội Trung Quốc chưa được phổ biến rộng các kiến thức sex tất
nhiên có lắm kẻ thích tò mò chuyện kín của người khác; họ vô cùng khoái tìm đọc
những mô tả khoa trương về đời sống tình dục của Mộc Tử Mỹ, hậu quả chỉ có thể
dẫn họ tới các hành vi sai lầm làm mất hết kỷ cương xã hội. Đọc Búp bê Bắc
Kinh, Xin lỗi em chỉ là con đĩ ... ta ngạc nhiên thấy các cô gái Trung Quốc
đang sống phóng đãng như thế nào. Nếu đọc Di Tình Thư, ta sẽ thấy Mộc Tử Mỹ bỏ
xa Vệ Tuệ, Xuân Thụ, Tào Đình... về mức độ phóng đãng và cách viết trắng trợn.
Thế nhưng dư luận Trung Quốc lại quá khoan dung với hiện tượng Mộc Tử Mỹ, thậm
chí ca ngợi. Điều này cho thấy đạo đức xã hội nước này đang xuống cấp nghiêm
trọng. Đây là kết quả của đường lối chạy theo tăng trưởng GDP bằng bất cứ giá
nào, miễn sao Trung Quốc trở thành cường quốc nhất nhì thế giới.
Nhà xã hội học bà Lý Ngân Hà nói: “Hiện tượng Mộc Tử Mỹ đánh dấu xã hội Trung
Quốc đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn 3 – không chỉ nam giới mà nữ giới cũng sẽ
có quyền tự do tình dục.” “Tôi khuyên mọi người chẳng cần quá kích động; nếu
không muốn tham gia thì hãy lẳng lặng quan sát sự thay đổi trong xã hội đạo đức
truyền thống thâm căn cố đế ở Trung Quốc, chỉ sau một thời kỳ lịch sử ngắn mà
mô thức hành vi của người ta đã biến thiên mãnh liệt như vậy, nên nói đây là
một sự việc rất thú vị.” Bà kêu gọi mọi người khoan dung với Mộc Tử Mỹ.
Nhà sáng lập Blogchina.com (có
blog của Mộc Tử Mỹ) Phương Hưng Đông ca ngợi: Mộc Tử Mỹ đã làm cho khái niệm
blog đi vào quần chúng một cách rộng rãi; đại danh Mộc Tử Mỹ là cái tên quan
trọng trong lịch sử phát triển blogger Trung Quốc.
Một điều tra cho thấy 10% dân mạng Trung Quốc cho rằng hiện tượng Mộc Tử Mỹ thể
hiện sự tiến bộ xã hội: mỗi người có quyền lựa chọn lối sống của mình, người
khác không có quyền chê trách; Blog Mộc Tử Mỹ có nhiều thành phần tính người và
sự chân tình mà xã hội đang thiếu; đời người rất ngắn, hãy để người ta sống
theo cách của họ. 90% dân mạng cho rằng Mộc Tử Mỹ tự tiết lộ chuyện kín của
mình chẳng qua chỉ để sớm nổi tiếng; chỉ là trò hề của kẻ hám danh mà thôi. Rất
ít người nói cần cấm blog Mộc Tử Mỹ.
Nhà xã hội học Lý Trung Chí viết: Đôi khi sự khoan dung quá mức sẽ làm tổn hại
lợi ích của công chúng. Mộc Tử Mỹ đang được mạng và báo đài ưa chuộng, đó là do
cô dám dùng thân xác để ghi chép cuộc sống tình dục của mình, công khai tiết lộ
những bí mật thầm kín nhất mà công chúng tò mò muốn biết; hơn nữa cô mô tả
trắng trơn, chi tiết tới mức kỳ quặc những chuyện xưa nay chưa ai dám làm. Một
xã hội giá trị quan đa nguyên hoá, tôn thờ sự tự do lựa chọn không có nghĩa là
một xã hội không biết phân biệt đúng sai.
Giáo sư Châu Hiếu Chính nói: Mộc Tử Mỹ không phải là hiện tượng cá biệt, nó đại
diện cho một quần thể thiếu trách nhiệm xã hội mới nổi lên ở Trung Quốc.
Quả vậy, ngoài Mộc Tử Mỹ ra, không ít phụ nữ Trung Quốc cũng lên tiếng đòi tự
do tình dục. Đặc biệt một nam giáo sư tiến sĩ có tên tuổi cũng tham gia dàn
đồng ca này bằng một tiểu thuyết gây tranh cãi, thể hiện sự vô trách nhiệm của
tác giả đối với xã hội (chúng tôi sẽ có dịp bàn sau).
Dù là văn học thân xác, văn học kỹ nữ hay văn học động đực, những tác phẩm khai
thác đề tài sex nói trên đều chưa thành công về mặt văn học, tuy các tác giả
đều trở nên nổi tiếng và giàu có. Ảnh Xuân Thụ được đăng trên trang bìa tạp chí
Mỹ danh tiếng Time. Vệ Tuệ đã sang Mỹ định cư. Cửu Đan dám bỏ ra 10 vạn Nhân
Dân Tệ [4] yêu cầu người ta cấm sách của cô để qua đó làm cô nổi tiếng hơn...
Thậm chí các tác phẩm nói trên còn bị nhà Hán học người Đức Wolfgang Kubin công
khai gọi là “rác rưởi”. Giới tinh hoa Trung Quốc không thể không thừa nhận đó
là một đánh giá khách quan. Nhà văn Lưu Hải Minh nói : Các tác phẩm văn học
đương đại của ta tuy chưa nát đến nỗi đều là rác rưởi cả, song cũng không phải
là thứ ngon ngọt, bổ béo như trái táo, mà chỉ như khúc mía, ăn cũng ngọt đấy
nhưng nhai vài cái là phải nhè ra… “Nhà văn mỹ nữ” chỉ có thể dùng thân xác để
viết; người Đức bảo thủ không coi ra gì loại người gọi là nhà văn ấy, liệt họ
vào hàng “rác rưởi”, xem ra có vẻ cay nghiệt, thực ra là nói thẳng nói thật. Có
người chửi văn học đương đại Trung Quốc, điều đó không xấu. Nếu đã biết nó là
đậu phụ thối mà cứ một mực tâng bốc thì đấy mới thực sự là hủy hoại văn học
Trung Quốc.
Dư luận đang chờ đợi văn đàn Trung Quốc sẽ xuất hiện những tác phẩm đề tài sex
có giá trị mỹ học cao, xứng đáng với tầm vóc một dân tộc có nền văn hoá 5 nghìn
năm và chiếm một phần năm số dân nhân loại.
Hồ Anh Hải
Chú thích
[1] Cửu Đan, Jiu Dan, 九丹 sinh 1968
[2] Mộc Tử Mỹ, Mu Zi Mei 木子美 sinh 1978
[3] nguyên văn tiếng Anh: kiểu của chó
[4] tương đương 12.000 USD, năm 2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét